Ở hạng mục về quản lý xác thực, camera phải có chức năng bắt buộc người dùng đổi mật khẩu mặc định khi sử dụng thiết bị lần đầu. Mật khẩu được tạo phải có độ phức tạp, có chữ hoa, chữ thường, chữ số, ký tự đặc biệt và phải được mã hóa trên thiết bị. Yêu cầu này cũng được áp dụng cho mật khẩu mặc định mà nhà sản xuất tạo cho thiết bị. Ngoài ra, để phòng việc tấn công rò tìm mật khẩu, camera cũng phải có chức năng khóa đăng nhập 5 phút nếu nhập mật khẩu sai 5 lần trong 30 giây.
Trong hạng mục đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu người dùng, Bộ khuyến nghị nhà sản xuất liệt kê danh mục, mô tả chức năng, nguyên lý hoạt động của từng cảm biến được sử dụng trong camera.
Dữ liệu từ camera và dịch vụ liên kết phải có tính năng cho phép thiết lập, cấu hình địa điểm xử lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu tại Việt Nam. Việc này có thể thực hiện qua việc ghi trên thẻ nhớ, thiết bị ngoại vi hoặc dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Việt Nam, và phải thông báo đến người dùng khi họ thiết lập
Các nhà sản xuất cũng cần có hệ thống trực tuyến cho phép tiếp nhận và công bố lỗ hổng của thiết bị tới người sử dụng. Khi phát hiện lỗi bảo mật, họ cần đưa ra thông tin và hướng dẫn người dùng cập nhật, xử lý.
Theo báo cáo năm 2023 của hãng nghiên cứu Market Data Forecast, thị trường camera giám sát tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 12%. Ngoài phục vụ nhu cầu dân dụng, thiết bị này bắt đầu được sử dụng nhiều trong hạ tầng an ninh công cộng.
Còn thống kê từ công ty camera Pavana của Việt Nam cho thấy tính đến tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu trung bình 5 triệu camera giám sát mỗi năm, trong đó hơn 90% thuộc thương hiệu Trung Quốc. Ngoài nguy cơ thiết bị không đảm bảo, nhiều người sử dụng còn có thói quen sử dụng mật khẩu mặc định, dễ đoán hoặc giao việc tạo mật khẩu cho kỹ thuật viên lắp đặt. Thời gian qua, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều sự cố an toàn thông tin liên quan đến camera giám sát, như tình trạng rao bán video nhạy cảm từ camera phòng ngủ, hay nhiều người bị tin tặc truy cập và để lại thông báo trên màn hình.